Mới đây, Facebook của anh Đ. (nguyên cán bộ lãnh đạo huyện nghỉ hưu) chủ động kết bạn với tôi. Sau một hồi hỏi thăm qua lại, anh tâm sự: “Anh tuy nghỉ hưu rồi nhưng thu nhập cũng khá nhờ có đứa em định cư bên Đức tạo điều kiện để làm thêm, em muốn kiếm tiền thì hợp tác với anh”.
Vì quen biết từ trước, tin tưởng vào uy tín của anh nên tôi tưởng thật và hỏi công việc gì. Anh trả lời là “… thu gom thẻ cào điện thoại, xuất qua Đức cho đứa em để hưởng hoa hồng 20%, thu nhập mỗi tháng cũng tầm 30-50 triệu đồng”. Thấy nghi ngờ vì “sau miếng mồi ngon là cái lưỡi câu sắc bén”, tôi thầm nghĩ chắc là nick của anh Đ. đã bị kẻ xấu hack (chiếm đoạt), chúng lợi dụng uy tín của anh để lừa đảo nên tôi giả vờ “ngờ nghệch” cắn câu. Kẻ cướp tài khoản Facebook của anh Đ. yêu cầu tôi mua card điện thoại các nhà mạng: Viettel, Vinaphone, Mobifone gửi qua Đức cho “đứa em” để hưởng hoa hồng “việc nhẹ, lương cao”. “Anh Đ.” gửi cho tôi đường dẫn liên kết đến trang cá nhân của “em gái” anh ấy ở Đức để 2 bên kết bạn, hợp tác làm ăn.
Sau vài phút, Facebook của một người có tên Ngọc Mai chủ động kết bạn với tôi và tự giới thiệu mình là giám đốc công ty giải trí viễn thông có trụ sở tại Berlin, đề nghị tôi hợp tác “mua thẻ cào điện thoại xuất qua Đức” chọn 1 trong 2 phương án: Mua 30 thẻ cào điện thoại loại 1 triệu đồng/thẻ (hoặc 60 thẻ cào loại 500.000 đồng/thẻ), tổng giá trị 30 triệu đồng, gửi qua Đức sẽ được hưởng 6 triệu đồng tiền hoa hồng hoặc gửi 50 thẻ cào điện thoại loại 1 triệu đồng/thẻ (hoặc 100 thẻ loại 500.000 đồng/thẻ) sẽ được hưởng hoa hồng 10 triệu đồng. Cách làm hết sức đơn giản là “anh cào thẻ rồi dùng điện thoại chụp mã thẻ, số seri thẻ gửi vào Messenger của em, nhận được mã thẻ, em gửi tiền hoa hồng ngay cho anh chỉ sau vài phút”. Lướt qua trang Facebook này, nhận thấy chủ nhân của nó phô diễn cuộc sống giàu sang phía bên trời Tây để dụ dỗ con mồi “nhẹ dạ cả tin”.
Tôi “giả nai” hỏi: “Ủa bên Đức họ cũng xài card điện thoại Việt Nam hả?” – Facebook Ngọc Mai liền giải thích: “Thẻ cào gửi qua Đức để chơi game và kinh doanh dịch vụ nạp tiền ảo cho các game thủ Việt kiều ở Đức”. Đối tượng này còn dặn dò: “Anh nhớ mua thẻ cào ở Đ.M.X hoặc T.G.D.Đ mới có thẻ cào mệnh giá lớn. Nếu họ hỏi mua làm gì nhiều vậy thì anh trả lời là để kinh doanh, công ty em mới ra làm ăn, nhiều đối thủ ghen ghét nhảy vào sẽ khó khăn nên không muốn nhiều người biết. Tại anh là bạn thân của anh Đ., lại được anh Đ. gửi gắm nên em mới tạo điều kiện cho anh…”. Sau một hồi trò chuyện qua lại, để tìm hiểu thủ đoạn của bọn lừa đảo, tôi mới lật bài ngửa “bên Đức họ xài tiền Mark, tiền thẻ cào là tiền Việt Nam đồng, gửi qua đó khác gì giấy lộn mà đòi lừa đảo”. Biết đã bại lộ, ngay lập tức, Facebook Ngọc Mai chặn liên lạc và xóa toàn bộ tin nhắn. Trở lại kiểm tra Facebook của anh Đ. thì toàn bộ tin nhắn lừa đảo cũng đã xóa sạch.
Thủ đoạn kẻ gian hack tài khoản Facebook để lừa đảo mua mã thẻ cào điện thoại không còn là câu chuyện mới nhưng qua tìm hiểu, thời gian qua, không ít người vẫn mất cảnh giác, trở thành nạn nhân bị lừa hàng trăm triệu đồng.
Với tần suất ngày càng thường xuyên và cấp độ lừa đảo ngày càng chuyên nghiệp, cộng thêm tâm lý chủ quan cùng lòng tham sẵn có mà các vụ lừa thẻ cào điện thoại chưa được giải quyết triệt để khiến cho người dùng gặp không ít rắc rối.
Qua câu chuyện này, chúng tôi mong rằng người dân cần hết sức cảnh giác trước các thủ đoạn hack tài khoản, giả mạo người thân, bạn bè trên mạng xã hội để lừa đảo mua hộ thẻ cào, lừa hợp tác kinh doanh thẻ cào điện thoại xuất ra nước ngoài./.