Ngư cụ của các tàu cá thường xuyên gây ra thiệt hại đắt đỏ cho tuyến cáp quang internet ở dưới các đại dương, nhưng các ngư dân nói rằng ngư trường của họ đang bị thu hẹp vì mê cung cáp quang.
60% sự cố là do vướng thiết bị đánh bắt cá và mỏ neo
Hồi giữa tháng 10 năm ngoái, Pall Hojgaard Vesturbu, giám đốc của Shefa, công ty con của hãng viễn thông Faroese Telecom, nhận được cuộc gọi từ nhân viên kỹ thuật thông báo có một sự cố trên tuyến cáp quang kết nối Shetland, một quần đảo cách bờ biển Scotland 160 km, với quần đảo tự trị Faroe của Đan Mạch. Vài ngày sau, ngay sau nửa đêm ngày 20-10, Vesturbu nhận được cuộc gọi thứ hai. báo cáo một tuyến cáp khác giữa Shetland và đất liền của nước Anh bị hỏng.
Hai sự cố này đã làm gián đoạn nghiêm trọng liên lạc qua điện thoại và internet trên các đảo và khiến các cửa hàng ở đây không thể nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng trong một ngày. Vesturbu cho rằng các tàu đánh cá đã gây ra gần như tất cả các vụ đứt cáp quang của công ty ông. Điều khiến ông bực bội là các sự cố này đáng lẽ ra tránh được. Ông nói: “Vị trí của các tuyến cáp của chúng tôi được gửi đến thiết bị định hướng của tàu thuyền, vì vậy, chúng phải tự động tránh đi qua những nơi có tuyến cáp đi qua”.
Sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng internet đã đặt những người khổng lồ công nghệ như Google, Meta và Microsoft, những công ty chịu trách nhiệm đầu tư chính cho mạng lưới cáp quang ngầm dưới biển để truyền tín hiệu trên khắp thế giới, xung đột với ngành ngư nghiệp có lịch sử lâu đời hơn nhiều. Theo một báo cáo năm 2021 của Ủy ban Bảo vệ cáp quốc tế (ICPC), khoảng 60% sự cố gián đoạn cáp quang là do vướng các thiết bị dùng để đánh bắt cá tuyết, cá bơn, mực ống và các loài sống ở tầng đáy khác, hoặc do các mỏ neo bị kéo lê dưới đáy đại dương. Chỉ có 0,1% là do cá mập cắn dây cáp. Chi phí sửa chữa cho một sự cố đơn lẻ thường dao động từ 250.000 đến 3 triệu đô la.
Các công ty quản lý cáp quang luôn cung cấp bản đồ mạng lưới cáp của họ để các tàu cá và tàu container né tránh. Nhưng ngư dân phàn nàn rằng cơ sở hạ tầng cáp quang, đường ống dẫn dầu và điện gió ngoài khơi mở rộng quá nhanh chóng. Điều này đang chiếm dụng không gian đại dương quí giá và đe dọa kế mưu sinh của họ. Patrick Murphy, Giám đốc điều hành của Tổ chức các nhà sản xuất cá Nam & Tây Ireland, cho biết ngư dân muốn đánh bắt cá, nhưng ngư trường ngày càng bị thu hẹp vì những tuyến cáp quang chằng chịt.
Cáp quang ngầm dưới biển gặp sự cố, chủ yếu là do hành động vô tình, khoảng 200 lần một năm. Hầu hết trong các sự cố, dịch vụ internet không bị gián đoạn vì các nhà khai thác cáp quang có các thỏa thuận cho phép họ chuyển lưu lượng truy cập sang một tuyến thay thế trong mạng lưới cáp quang dài tổng cộng 1,4 triệu km khắp toàn cầu.
Vào năm 2008, khoảng 75 triệu người đã bị cắt internet ở Trung Đông và Ấn Độ sau khi mỏ neo của một con tàu làm đứt một tuyến cáp quang dưới biển khi cố gắng neo đậu trong điều kiện thời tiết xấu ngoài khơi bờ biển Ai Cập. Năm 2016, một con tàu đã kéo nhầm mỏ neo qua đáy biển ở eo biển Manche giữa Pháp và Anh, làm đứt ba tuyến cáp internet chính kết nối các đảo Guernsey và Jersey với đất liền.
Ngư dân lo ngư trường bị thu hẹp
Sửa chữa một tuyến cáp bị đứt đòi hỏi phải huy động một tàu sửa chữa đi đến vị trí của sự cố, tìm kiếm đoạn cáp bị đứt bằng các phương tiện không người để đưa lên mặt nước, rồi nối lại và đưa trở lại đáy đại dương. Trong quá trình này, các nhà điều hành tuyến cáp quang cũng điều tra nguyên nhân, để xem họ có thể kiện ai để đòi bồi thường
Theo quy định pháp luật, các tàu thuyền ở châu Âu dài hơn 49 foot (15 mét) phải truyền tín hiệu về vị trí của chúng qua hệ thống nhận dạng tự động (AIS) trong mọi lúc. Nhưng một số thuyền trưởng tắt thiết bị này để tránh tiết lộ cho người khác về ngư trường nhiều cá hoặc, trong một số trường hợp, để che giấu hoạt động bất hợp pháp.
Công ty Shefa của Vesturbu đã xác định được một tàu đánh cá chịu trách nhiệm gây ra sự cố cho tuyến cáp của công ty hồi tháng 10 năm ngoái. Shefa đã liên hệ với công ty sở hữu tàu đánh cá đó để đòi bồi thường hàng trăm nghìn đô la chi phí sửa chữa.
Ngành công nghiệp cáp ngầm dưới biển xem trách nhiệm của mình chỉ giới hạn trong việc cung cấp thông tin về vị trí của cáp. Nhưng ngành ngư nghiệp muốn được hỏi ý kiến trước khi lắp đặt cáp.
“Cáp ngầm dưới biển đã có từ năm 1884 và ngành công nghiệp cáp ngầm đang làm mọi thứ có thể để cung cấp thông tin cho ngành ngư nghiệp về vị trí cáp của chúng tôi. Họ có thể rà lưới đến dây cáp nhưng không được vượt qua”, Peter Jamieson, Phó chủ tịch Hiệp hội cáp biển châu Âu, nói.
Elaine Whyte, người đại diện cho ngành ngư nghiệp ở Scotland, cho rằng các nhà vận hành cáp quang nên tránh lắp đặt cáp dưới đáy biển của các ngư trường quan trọng. Bà nói ngành ngư nghiệp muốn được hỏi ý kiến tư vấn trong giai đoạn lập kế hoạch lắp đắt cáp quang ngầm dưới biển để đảm bảo dây cáp hoặc được chôn sâu dưới đáy biển hoặc được né các khu vực đánh cá quan trọng.
Một giải pháp là đặt các dây cáp gần nhau trong các tuyến riêng biệt để tàu thuyền tránh phải đối mặt với mê cung cáp quang. Nhưng việc tất cả dây cáp vào một nơi sẽ tạo ra rủi ro cao hơn khi tất cả chúng đều bị đứt.
Google đã thử sử dụng các thuật toán để đặt dây cáp tránh xa các ngư trường và phát tín hiệu cảnh báo tàu thuyền đang đến quá gần dây cáp của hãng nhưng vẫn không hiệu quả. Vì vậy, Google chọn cách đầu tư lớn cho lớp bọc dây cáp và xây dựng nhiều tuyến cáp dự phòng.
Tại bang Oregon của Mỹ, ngành ngư nghiệp và nhà vận hành cáp quang đã chọn giải pháp hòa hoãn sau khi Scott McMullen, một ngư dân ở bang này, nhận được thông báo của một công ty vận hành tuyến cáp quang Bắc Thái Bình Dương, cảnh báo ông phải tránh xa một vùng biển rộng 80 dặm vuông để tránh bị “phạt tiền, bỏ tù hoặc bị điện giật” nếu tàu cá của ông làm hỏng dây cáp lắp đặt ở đây. Sau khi nhận được thông báo, McMullen liên hệ với nhà điều hành tuyến cáp quang và thương lượng thành công một thỏa thuận: nếu một mỏ neo hoặc ngư cụ bị vướng vào gần dây cáp, ông và các ngư dân khác bỏ chuyến đánh bắt, nhà điều hành cáp sẽ trả tiền bồi thường cho ngư cụ này.
Theo Bloomberg