Đề xuất chính sách đặc biệt hỗ trợ thuê bao 2G tồn dư

Các nhà mạng đề xuất nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng sử dụng thuê bao 2G Only ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng chịu thiệt hại bởi cơn bão số 3 (Yagi) chuyển đổi lên 4G.
2g only

Tắt sóng, nhưng chưa tắt nỗi lo

Tính đến thời điểm chính thức tắt sóng 2G Only (ngày 15/10), các nhà mạng vẫn còn gần 700.000 thuê bao 2G Only. Những khách hàng này chủ yếu là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và cả vùng chịu thiệt hại bởi cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua. Vấn đề đang được đặt ra là ứng xử như thế nào với số thuê bao 2G Only chưa kịp chuyển đổi.

Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết, đa số khách hàng hiện vẫn dùng thuê bao 2G Only sống ở nông thôn, vùng núi, mức cước sử dụng rất thấp, có những thuê bao thậm chí không phát sinh cước, hoặc phát sinh không đều. “Nguyên nhân vẫn tồn tại một lượng thuê bao 2G Only chưa chuyển được là do những thuê bao này thuộc tệp khách hàng ít sử dụng, nên rất khó liên lạc. Một số ít ở vùng sâu, vùng xa, nên nhân viên chưa tiếp cận được. Tuy nhiên, sau khi thực hiện tắt dịch vụ hai chiều đối với thuê bao 2G Only, các khách hàng này vẫn có thể chuyển đổi được”, ông Tính nói.

Với nhà mạng Vinaphone, ông Đỗ Mạnh Dũng, quyền Giám đốc Ban khách hàng cá nhân VNPT Vinaphone chia sẻ, trong quá trình triển khai chương trình chuyển đổi thuê bao 2G lên 4G, có 2 nhóm rất khó truyền thông, tiếp cận, đó là nhóm khách hàng ở khu vực rất xa và nhóm ít dùng điện thoại, trong đó có những người dùng cao tuổi… Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là do ảnh hưởng của bão lụt, nhiều khu vực nhà mạng không thể tiếp cận được; trong khi người dân tập trung khôi phục đời sống cá nhân trước khi quan tâm đến các hoạt động khác.

Với sự hỗ trợ và chỉ đạo của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện nay, các nhà mạng có một số tiêu chí để nhận diện thuê bao 2G, trong đó có một số thuê bao ở mạng này là 2G, nhưng ở mạng khác lại nhận diện là hỗ trợ 3G, 4G. Với tệp khách hàng này, VNPT sẽ cập nhật thường xuyên dựa trên tiêu chí của Cục Viễn thông để loại ra, sau thời điểm tắt sóng 2G vẫn sử dụng được, vì máy nhận diện 2G, nhưng hỗ trợ cả 3G và 4G.

Các nhà mạng còn lại có số thuê bao 2G Only thấp cũng cho biết, đã gặp một số khó khăn như khách hàng không chịu chuyển đổi lên 4G, thiếu kinh phí tặng máy 4G cho khách, một bộ phận khách hàng chưa biết thông tin về tắt sóng 2G do chưa tiếp cận được kênh truyền thông…

Đề xuất chính sách hỗ trợ người dân

Về nguyên tắc, sau ngày 15/10, thuê bao 2G Only sẽ bị ngắt sóng 2 chiều. Tuy nhiên, các nhà mạng cũng đề xuất thêm các giải pháp hỗ trợ người dân.

Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó ban Dịch vụ viễn thông MobiFone cho biết, sau ngày 15/10, Mobifone chặn thiết bị, nhưng vẫn giữ lại tài khoản, thuê bao cho khách hàng, để khách có thời gian chuyển đổi, đảm bảo bảo lưu tài khoản của khách hàng. Những thuê bao đã chuyển đổi lên điện thoại thông minh, tự bỏ tiền mua máy, MobiFone sẽ tặng gói cước…

“MobiFone xác định rõ, phải đầu tư cho mạng lưới 4G. Nếu chặn 2G, khách hàng chuyển đổi sang 4G nhưng không dùng được, thì họ sẽ khiếu nại, nhà mạng có thể bị mất khách hàng. Công việc luôn phải song hành, vừa truyền thông chuyển đổi, vừa tối ưu đầu tư mạng lưới, vùng phủ sóng 4G để phục vụ khách hàng”, ông Dũng chia sẻ.

Trong khi đó, Vinaphone cho biết, sẽ tiếp tục duy trì chính sách tặng máy, hỗ trợ máy; chăm sóc khách hàng tại các điểm dịch vụ hoặc trực tiếp tại nhà để giúp khách hàng đổi SIM, hướng dẫn sử dụng, thông báo các chính sách ưu đãi trong thời gian đầu chuyển từ máy 2G sang 4G… Ông Đỗ Mạnh Dũng khẳng định, tất cả thuê bao 2G của Vinaphone sẽ được bảo lưu tài khoản, Vinaphone mong muốn tất cả thuê bao 2G tiếp tục chuyển sang 3G, 4G và sử dụng dịch vụ của nhà mạng.

Với nhà mạng Viettel, ông Nguyễn Trọng Tính chia sẻ, theo chính sách chung, nếu khách hàng không sử dụng dịch vụ trong 2 tháng, nhà mạng sẽ khóa tài khoản, thu hồi số về kho. Tuy nhiên, Viettel sẽ đề xuất chính sách đặc biệt với thuê bao 2G còn lại. “Chúng tôi kỳ vọng, sau khi nhà mạng khóa hai chiều thuê bao 2G Only, những khách hàng này sẽ tiếp tục liên hệ để đổi máy và dịch vụ nếu có nhu cầu”, ông Tính bày tỏ.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông nhấn mạnh, theo đúng quy định, thì sau ngày 15/10/2024, phải dừng cung cấp dịch vụ 2 chiều (gọi đi – gọi đến) đối với thuê bao 2G Only. Các doanh nghiệp cần tiếp tục phân tích hành vi người dùng thuê bao, tích cực truyền thông, thể hiện trách nhiệm của nhà mạng với quyền lợi của người tiêu dùng.

“Sau ngày 15/10, trách nhiệm của doanh nghiệp là duy trì số điện thoại, gói cước, chế độ chính sách với thuê bao cũ, người sử dụng có thể tiếp tục đến các điểm cung cấp dịch vụ hay thông qua số điện thoại để được hướng dẫn đầy đủ thông tin cho việc chuyển đổi. Với các thuê bao dừng cung cấp dịch vụ sau ngày 15/10, đề nghị các nhà mạng tiếp tục có chính sách chăm sóc khách hàng để chuyển đổi các thuê bao này sang 4G, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng”, ông Nhã khuyến nghị.

Ngoài ra, theo ông Nhã, các nhà mạng cần truyền thông mạnh mẽ hơn, thông tin đầy đủ tới người dùng để tránh mua phải điện thoại 2G nhưng dán mác 3G, 4G. Cùng với đó, cần chú trọng thu mua lại thiết bị đầu cuối 2G để thu gom và xử lý rác thải điện tử đúng quy trình, tránh việc thiết bị đầu cuối bị vứt bỏ, tiêu hủy như rác thông thường, hoặc sử dụng lại không đúng quy định.

Để thực hiện lộ trình dừng công nghệ 2G, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các nhà mạng di động phải triển khai hạ tầng mạng 4G đảm bảo có vùng phủ thay thế được các trạm thu phát vô tuyến 2G đã tắt tại tất cả khu vực thực hiện tắt sóng; chú trọng phát triển hạ tầng tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cụ thể triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông đảm bảo đến năm 2025 đạt 100% thôn, bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động 4G theo Quyết định số 816/QĐ-BTTTT ngày 18/5/2024 về ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông Việt Nam giai đoạn 2024-2025.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *