Tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác đang gây nhiều bức xúc đối với người dùng và đặt ra bài toán nan giải cho dịch vụ Viễn thông. Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai kế hoạch chuẩn hóa thông tin thuê bao nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng SIM điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định để thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục…
Nghị định số 91/2020/NĐ-CP, ngày 14 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đưa ra định nghĩa một cách rõ ràng về cuộc gọi rác là gọi điện thoại quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng; gọi điện thoại quảng cáo vi phạm các quy định về gọi điện thoại quảng cáo hoặc gọi điện thoại vi phạm các nội dung bị cấm theo quy định. Có thể hiểu tin nhắn rác và cuộc gọi rác là những tin nhắn và cuộc gọi người dùng không mong muốn, gây phiền nhiễu, thậm chí là lừa đảo và đa phần đều là những thuê bao chưa được định danh. Việc tiếp nhận quá nhiều tin nhắn và cuộc gọi rác khiến cho ít ai có thể phân biệt được đâu là tin rác, đâu là tin quảng cáo với nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp.
Theo Điều 15, Nghị định 91/2020/NĐ-CP thì một tin nhắn quảng cáo đúng quy định là tin nhắn phải được gán nhãn ở vị trí đầu tiên trong phần nội dung của tin nhắn. Ví dụ tin nhắn quảng cáo phải có dạng [QC]… hoặc [AD]…
Bên cạnh yêu cầu một tin nhắn quảng cáo phải có gán nhãn thì phần cuối trong nội dung tin nhắn quảng cáo gửi tới phải có thông tin hướng dẫn người dùng cách hủy/từ chối nhận tin nhắn quảng cáo. Ví dụ: “… Từ chối QC, soạn… gửi…”.
Những tin nhắn, cuộc gọi rác ngày càng xuất hiện tràn lan, quảng cáo, lừa đảo trên nhiều lĩnh vực và bằng nhiều cách thức. Chị N.P. Thảo, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết, thường xuyên nhận những tin nhắn và cuộc gọi giới thiệu việc làm online lên đến 30 – 40 triệu đồng/tháng mặc dù không có nhu cầu tìm việc làm hay đăng tin tìm việc ở bất kỳ trang web nào.
“Mình cảm thấy rất phiền khi liên tục nhận những tin nhắn và cuộc gọi bảo mình ứng tuyển để làm online trong khi mình không hề có nhu cầu và mình cũng cảm thấy đây là một chiêu thức lừa đảo. Nhiều khi có số máy lạ gọi tới không nghe thì sợ bỏ lỡ cuộc gọi của khách hàng, đối tác, nhưng khi nghe thì lại là cuộc gọi rác khiến mình rất mất thời gian” chị Thảo bức xúc chia sẻ.
Hiện nay, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã và đang triển khai kế hoạch chuẩn hóa thông tin thuê bao nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng SIM điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định để thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục…
Mặc dù đã cơ bản quản lý được SIM số điện thoại di động nhưng những cuộc gọi, tin nhắn rác vẫn tiếp tục được gửi đến người dùng từ số máy bàn. Bạn P.T. Chi, sinh viên Trường Đại học Giáo dục (Hà Nội) cho biết, ngoài việc cảm thấy phiền phức vì những tin nhắn rác thì còn cảm thấy lo lắng vì bị lộ thông tin cá nhân.
“Mình nhận được các tin nhắn, cuộc gọi rác rất nhiều lần trong ngày. Đó là những cuộc gọi quảng cáo về sản phẩm (như các vật phẩm thiết yếu hằng ngày, mỹ phẩm…), dịch vụ (chứng khoán, bất động sản, spa, du lịch…) và các cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo. Vì chưa sử dụng nên mình không biết đó có phải là những sản phẩm, dịch vụ chất lượng hay không. Bên cạnh đó, mình cũng cảm thấy lo lắng khi nhận được các tin nhắn và cuộc gọi đó vì mình không biết họ lấy thông tin về số điện thoại của mình ở đâu.” – bạn Chi chia sẻ.
Để khắc phục một cách triệt để vấn nạn tin rác, quảng cáo rác không chỉ từ các biện pháp của nhà mạng hay Cục Viễn thông mà còn cần sự phối hợp từ những người dùng di động. Khi được hỏi về cách xử lý khi nhận những tin nhắn và cuộc gọi rác thì bạn Chi cho biết sẽ gửi tin nhắn đến đầu số 156 để phản ánh với nhà mạng về các tin nhắn, cuộc gọi rác đó. Nhưng với chị Thảo, chị cho biết khi nhận những cuộc gọi rác như vậy thì chị chỉ tắt đi và không nghe.
Có thể thấy, mặc dù nhiều người dùng rất bức xúc với những tin rác nhưng không phải ai cũng biết cách để phản ánh và góp phần cùng nhà mạng, Cục Viễn thông khắc phục triệt để vấn nạn tin rác, quảng cáo rác. Có 3 cách để người dùng phản ánh với nhà mạng khi nhận được những tin nhắn hay cuộc gọi rác. Cụ thể:
Cách 1: Gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156, trong đó: Với tin nhắn rác: S (Số điện thoại – nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656). Với cuộc gọi rác: V (Số điện thoại – nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656). Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo: LD (Số điện thoại – nguồn phát tán) (nội dung phản ảnh) gửi 156 (hoặc 5656).
Cách 2: Gọi tới đầu số 156 (các doanh nghiệp viễn thông sẽ áp dụng việc miễn phí cước cuộc gọi) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, trích dẫn một số nội dung có liên quan;…) theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.
Cách 3: Phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua website. Truy cập website https://thongbaorac.ais.gov.vn
Bước 1: Nhập số điện thoại nhận được tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Bước 2: Nhập nguồn phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác (Thuê bao, Đầu số hoặc Brandname gửi tin).
Bước 3: Nhập nội dung tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Bước 4: Upload bằng chứng là ảnh chụp màn hình tin nhắn rác hoặc file ghi âm cuộc gọi rác.
Bước 5: Nhấn nút Phản ánh để nhận mã OTP.
Bước 6: Nhập mã OTP bạn đã nhận được.
Bước 7: Nhấn nút Hoàn thành.
Với sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp viễn thông và người dùng, hy vọng trong tương lai gần vấn nạn về tin rác, quảng cáo rác sẽ được khắc phục triệt để, góp phần xây dựng một môi trường không gian mạng an toàn, lành mạnh./.