Mạng 4G, 5G sẽ thay thế internet cố định?

Trong khuôn khổ Hội nghị di động thế giới tại Barcelona, Tây Ban Nha vừa qua, một số tập đoàn công nghệ có đưa ra giải pháp dùng hệ thống truyền dữ liệu không dây thế hệ thứ 5 (5G) để thay thế cho hệ thống internet cố định.

Đây là điều được nhiều người quan tâm khi mà sự tiện lợi trong kết nối đang là xu hướng toàn cầu.
5g co dinh
Theo thống kê của Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA), số người dùng 5G trên thế giới đã vượt mốc 1 tỷ tính đến hết năm 2022. Hơn 240 mạng 5G đã được thương mại hóa trên toàn thế giới, cùng 1.700 loại thiết bị đầu cuối khác nhau. Tỷ lệ thâm nhập của 5G vào các hoạt động xã hội trong 3 năm qua tương đương với 4G trong 5 năm. Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, đến thời điểm hiện nay, 5G tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình thử nghiệm mạng lưới và dịch vụ của các doanh nghiệp (Viettel, VNPT, Mobifone). Với những thử nghiệm ở các góc độ khác nhau trên 40 tỉnh, thành phố như: Thử nghiệm ở các dải băng tần số khác nhau, thử nghiệm mô hình SA/NSA, thử nghiệm kỹ thuật, thương mại dịch vụ 5G. Thời gian thử nghiệm hai năm qua cho thấy, Việt Nam đã tham gia tiếp cận công nghệ 5G rất sớm, cả từ phương diện quản lý nhà nước đến triển khai mạng lưới, cung cấp dịch vụ.

Nhà mạng tăng tốc triển khai thử nghiệm công nghệ 5G.

Với việc sở hữu tốc độ truy cập nhanh, có nhiều gói cước dung lượng cao, linh hoạt và tiện lợi do kết nối không dây, nhiều người dân đang có xu hướng lắp sim 4G, 5G vào các thiết bị phát sóng để sử dụng thay thế hệ thống internet mạng dây cố định vốn cần lắp đặt cầu kỳ và phức tạp hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mạng di động 4G, 5G vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và chưa thể thay thế hoàn toàn hệ thống mạng dây cố định. Hệ thống 4G, 5G hoàn toàn phụ thuộc vào trạm phát sóng của các nhà cung cấp dịch vụ đặt ở những điểm cố định nên tại những nơi có mật độ dân số quá cao, nhiều người cùng truy cập một lúc dễ gây ra tắc nghẽn mạng. Những gia đình ở sâu trong ngõ, ngách, nhà có tường dày cũng sẽ gặp khó trong việc kết nối với sóng 4G, 5G. Trong khi đó, internet có dây tuy cồng kềnh nhưng bảo đảm sự ổn định vì sử dụng đường dây cáp quang truyền dẫn internet trực tiếp vào các thiết bị thông minh trong mỗi hộ gia đình cũng như tại các cơ quan, doanh nghiệp.

Hiện nay, các nhà mạng đã cung cấp khá nhiều gói cước 4G, 5G với dung lượng cao phục vụ nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay, mạng 5G mới được triển khai thử nghiệm tại một số địa phương của Việt Nam. Hơn nữa, mạng di động 4G, 5G chỉ thực sự phù hợp với những nhu cầu cơ bản như đọc báo, xem tin tức, nếu sử dụng cho những nhu cầu tiêu tốn dung lượng lớn, thời gian sử dụng trong ngày nhiều thì sẽ tốn kém chi phí hơn mạng dây.

Nhìn chung, trong thời gian tới, mạng di động không dây 4G, 5G và mạng cáp quang vẫn sẽ tồn tại song song, hỗ trợ và bổ sung lẫn nhau. Mạng 4G, 5G có tính cơ động cao, hỗ trợ người dùng kết nối internet mọi lúc, mọi nơi, nhanh chóng, thuận tiện. Còn internet cáp quang cố định sẽ mang đến cho khách hàng sự ổn định, truyền tải dung lượng lớn, đáp ứng được những yêu cầu về hệ thống của các tổ chức, doanh nghiệp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *