Thị trường thương mại điện tử Việt Nam quý 1/2023 tiếp tục tăng trưởng tích cực. Trong đó, Shopee tiếp tục chiếm thị phần lớn nhất nhưng Tiktok Shop đã có bước tăng trưởng mạnh, vượt đáng kể một số sàn thương mại điện tử khác.
“Gã khổng lồ” Shopee tiếp tục dẫn dầu
Mới đây, nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric đã công bố Báo cáo thị trường thương mại điện tử quý I/2023. Theo đó, tổng doanh thu bán hàng của 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay, gồm: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop đạt 39.000 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm nay.
So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu toàn thị trường tăng 21,8%, trong đó có 412.769 người bán phát sinh đơn hàng với hơn 390 triệu sản phẩm được giao thành công.
Shopee đứng đầu thị trường khi chiếm tới 63,1% thị phần tổng doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử. Trong đó doanh thu bán hàng trên nền tảng này vượt 24.700 tỷ đồng với 289,7 triệu sản phẩm được giao thành công từ 211.609 người bán.
Theo sau Shopee là nền tảng thương mại điện tử Lazada. Mặc dù xếp thứ hai tuy nhiên sàn thương mại điện tử này chỉ ghi nhận con số 55,2 triệu sản phẩm giao thành công từ 105.921 người bán với doanh thu khoảng 7.500 tỷ đồng. Nhìn vào những con số trong báo cáo, có thể thấy rõ doanh thu của Shopee đang vượt trội so với các sàn thương mại điện tử còn lại.
Tiktok Shop tăng trưởng doanh số thần tốc
Mặc dù Shopee là sàn thương mại điện tử dẫn đầu về thị phần nhưng Tiktok Shop mới chính là nhân tố gây bất ngờ trên thị trường trong quý I/2023. Dữ liệu cho thấy Tiktok Shop đã có những bước phát triển nhanh chóng để vượt qua 2 cái tên cũ khác là Tiki và Sendo, để tiến thẳng lên vị trí thứ 3.
Với 6.000 tỷ đồng doanh thu (bằng 80% của Lazada), Tiktok Shop có hơn 68.000 số shop có lượt bán và 42,1 triệu sản phẩm bán ra trong 3 tháng đầu năm nay.
Trước đó, trong Báo cáo tổng quan thị trường thương mại điện tử 2022 của Metric, mức doanh thu trong 1 tháng của TikTok Shop đã tương đương 80% doanh thu cùng kỳ của Lazada và gấp 4 lần doanh thu của Tiki.
Trung bình mỗi ngày TikTok Shop đạt mức doanh thu 56,6 tỷ đồng và có 434.000 sản phẩm được bán ra. Đây là các con số ấn tượng mà những sàn thương mại điện tử khác phải mất nhiều năm mới xây dựng được.
Dự báo cạnh tranh tiếp tục diễn ra gay gắt
Tổng doanh thu và sản lượng toàn thị trường thương mại điện tử quý I/2023 đều tăng trưởng khoảng 22% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng số lượng nhà bán giảm mạnh 17%. Đồng thời, thị phần doanh thu của các nhà bán nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp trong quý I/2023 giảm 0,46% so với cùng kỳ 2022, trong khi đó các gian hàng chính hãng – Shop Mall lại tăng cả thị phần và doanh thu.
Có thể thấy, các nhà bán nhỏ lẻ không chuyên đang bị bỏ lại trong cuộc chơi và rút dần khỏi thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc, lợi nhuận đổ về những nhà bán thực sự chuyên nghiệp và có đầu tư cho việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Theo dự báo của Metric, sự dịch chuyển lên mô hình Shop Mall sẽ là xu hướng để các nhà bán tăng uy tín và doanh thu trên thương mại điện tử.
Ngoài ra, trước sự phát triển nhanh chóng của logistics, các nhà bán trong nước còn đối mặt sự cạnh tranh gay gắt đến từ các nhà bán nước ngoài.
Để có thể tồn tại và phát triển, những người kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cần chuẩn bị kỹ càng ở mọi yếu tố, bắt đầu ngay từ bước phân tích thị trường và lên chiến lược kinh doanh bài bản hiệu quả.
Với những nhà bán mới có mong muốn gia nhập cuộc đua trên thị trường thương mại điện tử, theo nhiều chuyên gia, có 4 yếu tố cơ bản doanh nghiệp cần nắm chắc: các điều luật về thương mại điện tử, cơ chế – quy định riêng của từng sàn, bản nghiên cứu thị trường (đối thủ, ngành hàng,…), và chiến lược kinh doanh.