Làm cộng tác viên bán vé máy bay nhận hoa hồng 20%; cắt mác quần áo nhận tiền công liền tay; cộng tác viên vận đơn,… là một số chiêu trò lừa đảo người lao động có nhu cầu tìm việc làm thêm, gia tăng thu nhập khi dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần, theo Báo Lao Động.
Thời gian cận Tết, trên các nhóm tìm việc online, những thông tin quảng cáo, tuyển dụng việc làm thêm dịp này liên tục được đăng tải rầm rộ. Các công việc như: Tuyển người bình luận sản phẩm, đánh máy đề cương,… với mức lương từ 100.000 – 300.000 đồng/ngày; cộng tác viên bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng lên đến 20%.
Đối tượng tuyển dụng được nhắm đến là các mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập trung bình – thấp,… tìm kiếm việc làm thêm.
Phản ánh đến Báo Lao Động, anh Nguyễn Văn Đức (tên nhân vật đã được thay đổi), trú tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội, kể lại: Ngày 3/12/2023, khi lướt Facebook, anh thấy quảng cáo của trang có tên Trang (tên nhân vật đã được thay đổi) – một công ty chuyên cung cấp dịch vụ đặt vé máy bay và đặt phòng khách sạn trực tuyến tuyển cộng tác viên bán vé máy bay chiết khấu “hoa hồng” từ 10-20%. Chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, anh Đức đã bị lừa mất số tiền 32.486.600 đồng chỉ vì “nhẹ dạ cả tin”.
Anh Đức kể lại, đối tượng dùng nhiều số điện thoại, tài khoản mạng xã hội đánh vào ham muốn nhanh kiếm được tiền của anh. Trong quá trình lừa đảo, các đối tượng liên tục dồn ép anh Đức khiến anh bị ảnh hưởng tâm lý, rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng. Cùng ngày 6/12, anh Đức đã làm đơn trình báo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
“Tôi chỉ muốn phản ánh việc này đến cơ quan chức năng và mong muốn không có thêm bất kỳ nạn nhân nào mắc bẫy lừa đảo của chúng nữa” – anh Đức giãi bày.
Cuối tháng 11/2023, anh Đinh Hữu Quang – tên nhân vật đã được thay đổi (sinh viên năm cuối, Đại học Công nghiệp Hà Nội) tìm được một công việc trên mạng xã hội với vị trí “Cộng tác viên vận đơn”.
Mỗi ngày, anh Quang được đối tượng chỉ định 5 đơn hàng để mua thanh toán và nhận hoa hồng 5-15% giá trị đơn). Số tiền ban đầu nhận về quá dễ dàng đã khiến anh Quang hoàn toàn tin tưởng, lúc này các đối tượng lừa đảo mới bắt đầu hối thúc nạp tiền với lý do “chậm sẽ hết đơn”. Dù không có tiền nhưng vì hoa hồng quá cao, anh Quang vẫn đi vay bạn bè tiếp tục nạp tiền.
Khi số tiền nạp lên đến hàng chục triệu đồng, đối tượng lừa đảo đã nêu lý do rất khó tin như: Tài khoản bị đóng băng; hệ thống lỗi,… để trì hoãn việc rút tiền.
Ông Ngô Minh Hiếu, người sáng lập dự án Chống lừa đảo, chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC) cho biết, phần lớn nạn nhân bị lừa đều là người lần đầu đi làm. Họ không có tiền, ít kinh nghiệm nên dễ bị dụ dỗ vào những việc như vậy. Người muốn kiếm thêm tiền dịp Tết hầu hết không quá dư dả. Số tiền nộp cho hệ thống phần lớn phải đi vay.
Theo ông Hiếu, mặc dù hình thức lừa đảo “làm cộng tác viên” không mới, chúng liên tục thay đổi về hình thức khiến nhiều người vẫn đồng ý tham gia. Trong số những người bị lừa, có cả sinh viên công nghệ thông tin, vốn tiếp xúc với môi trường mạng từ lâu.
Chuyên gia Ngô Minh Hiếu cũng cho biết, các tài khoản đứng sau đều là tài khoản ẩn danh, dùng ảnh giả, giấy tờ giả nên nạn nhân gặp khó khăn khi muốn truy cứu.
Các bạn có mẹo gì để phòng tránh thủ đoạn bên trên không?