Cuộc gọi rác vẫn ‘dội bom’ người dùng, kẽ hở nằm ở đâu?

Hôm qua, tôi đã đọc bài “Bỗng dưng bị đứng tên 5 SIM của 1 nhà mạng” trên PLO, rất bức xúc. Bài viết cho thấy một nhân viên của nhà mạng đã lấy thông tin của khách hàng để đăng ký đứng tên 5 sim bán cho người khác. Dù sự việc đã được nhà mạng xử lý, đã cho nhân viên nghỉ việc, xin lỗi khách hàng nhưng qua đó cho thấy việc một người có thể được đứng tên trên nhiều sim là quá nguy hiểm. Một trong những kẽ hở cho các cuộc gọi rác “dội bom” người dùng cả ngày lẫn đêm chính là ở đây.

Nên khống chế số lượng sim trên mỗi người dùng

Đến nay đã có hơn 1,15 triệu thuê bao bị tạm dừng dịch vụ 2 chiều sau đợt yêu cầu chuẩn hóa thông tin theo quy định. Đến ngày 15-5 này, hơn 1 triệu thuê bao không chuẩn hóa thông tin sẽ bị thu hồi.

Trong đợt chuẩn hóa thông tin lần này, rất nhiều người dân đổ xô đi chuẩn hóa thông tin và nhiều người hy vọng sẽ chặn đứng được tình trạng cuộc gọi rác. Thế nhưng, tôi và nhiều người vẫn bị quấy rối ngày đêm vì các cuộc gọi rác.

dang ky thong tin

Trước đây đã từng có quy định hạn chế số lượng sim đối với mỗi người dùng. Tại mục 9, Điều 7, Thông tư số 22/2009 của Bộ Thông tin và TT quy định: “Do kho số di động là hữu hạn, để bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và công bằng tài nguyên viễn thông, mỗi một cá nhân chỉ được sử dụng số chứng minh thư, hộ chiếu của mình để đăng ký tối đa ba (03) số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng thông tin di động (trừ trường hợp cá nhân là người đứng tên đại diện cho cơ quan tổ chức)”.

Việc giới hạn mỗi cá nhân chỉ được sử dụng 3 SIM/mạng và mỗi doanh nghiệp không được sử dụng quá 100 SIM/mạng nhằm để quản lý thuê bao di động trả trước, nhằm hạn chế việc thành lập doanh nghiệp “ma” nhằm đăng ký hàng loạt SIM rồi bán ra thị trường.

Sau đó, Nghị định 49/2017 ban hành đã không còn hạn chế số lượng sim trả trước đối với mỗi người, tổ chức sử dụng. Đồng thời, với 3 sim đầu, người mua chỉ cần xuất trình giấy tờ và ký xác nhận thông tin thuê bao; từ số thuê bao thứ tư trở lên, cần ký hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông.

Điều đó có nghĩa là gì? Nghĩa là một cá nhân có bao nhiêu sim cũng được miễn có ký hợp đồng, có cam kết rõ ràng với nhà mạng.

Việc pháp luật quy định một cá nhân được đứng tên nhiều sim là một kẽ hở. Chính kẽ hở này đã được các đại lý, cửa hàng lợi dụng nhằm đăng ký nhiều sim dưới tên một cá nhân, vẫn đăng ký chuẩn hóa thông tin thuê bao đàng hoàng rồi sau đó bán lại cho các cá nhân khác. Những cá nhân mua lại sim này dễ dàng thực hiện các cuộc gọi rác. Cũng có khi một cá nhân được mua nhiều sim để thực hiện các cuộc gọi rác.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có 5.710 cá nhân trong cả nước đang sử dụng hơn 100 sim số di động; đặc biệt, có 261 cá nhân đang sử dụng tới hơn 1.000 sim di động.

Thực tế đó khiến từng có bài báo đặt tít hỏi: “Họ làm gì mà sở hữu cả ngàn sim điện thoại di động mỗi người?”.

Giải pháp chưa đủ mạnh

Một trong những giải pháp được cho là sẽ ngăn chặn tận gốc SIM rác là chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó nhằm tạo kênh để người dân phản ánh tính trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác, từ năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai đầu số 5656 tiếp nhận tin nhắn phản ánh các tin nhắn rác, cuộc gọi rác theo quy định tại Nghị định 91/2020

Tuy nhiên, với những giải pháp này thôi thì chưa đủ.

Tôi xin được chia sẻ về những trải nghiệm bực dọc khi phải thường xuyên nghe cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo và đã làm tất cả những gì mà ngành chức năng hướng dẫn để ngăn chặn cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo; và cuối cùng đành bất lực.

Sau những đợt yêu cầu chuẩn hóa thông tin thuê bao, khóa một chiều, rồi hai chiều rầm rộ với những thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin, tôi vẫn liên tục nhận được những cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo từ nhiều số thuê bao di động.

Có những cuộc gọi rác quảng cáo tự động đã được tôi báo lên tổng đài 156 nhưng sau đó lại tiếp tục gọi điện quảng cáo tự động vào số máy tôi. Tôi lại tiếp tục báo lên tổng đài 156. Kết quả lần nào cũng đều chỉ nhận được câu phản hồi từ tổng đài: “Cảm ơn bạn đã cung cấp thông tin về cuộc gọi rác”. Tôi không rõ tổng đài 156 có xử lý gì không, khi mà cùng một số điện thoại di động nhiều lần gọi quảng cáo tự động vào số thuê bao của tôi (đã đăng ký Danh sách không quảng cáo-DoNotCall), và tôi đã nhiều lần báo với tổng đài 156 nhưng chỉ nhận được câu cảm ơn, không rõ kết quả xử lý.

cuoc goi rac

Theo đại diện Cục Viễn thông, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng đài 5656 – tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin quản lý, vận hành) đã tiếp nhận 202.949 lượt phản ánh. Trong đó, số lượt phản ánh tin nhắn rác: tiếp nhận 25.476 lượt phản ánh (giảm 10,6 % so với cùng kỳ năm 2021); Số lượt phản ánh cuộc gọi rác: 177.473 (tăng 34,2%) trong đó phản ánh về cuộc gọi đòi nợ, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo chiếm 12,5%.

Được biết, Bộ TT&TT vừa yêu cầu các Sở TT&TT phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động quản lý, đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên địa bàn quản lý của sở, cụ thể như sau: thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng số lượng SIM điện thoại lớn, có dấu hiệu lớn bất thường.

Đối tượng của đợt thanh tra này gồm các chi nhánh của nhà mạng cung cấp dữ liệu đăng ký sử dụng số lượng SIM điện thoại lớn, có dấu hiệu bất thường. Bên cạnh đó là các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng từ 50 SIM trở lên, cá nhân sử dụng từ 20 SIM trở lên.

Vấn đề mấu chốt là cần phải có hành lang pháp lý cần thiết giới hạn số lượng sim mà một cá nhân, tổ chức sử dụng, không thể muốn đăng ký sử dụng bao nhiêu sim cũng được. Trước thực tế đã khóa sim với những thuê bao không chính chủ mà người dùng vẫn liên tục bị cuộc gọi rác “dội bom” thì họ có quyền đặt dấu hỏi: Có phải kẽ hở nằm ở chỗ một người được sở hữu cả ngàn sim?

Bởi nếu một người chỉ được xài một đến hai sim thì làm sao dám đi quấy rối người khác, bị khóa thuê bao rồi lấy gì sử dụng tiếp được nữa?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *