MoMo chiếm 68% thị phần ví điện tử trong quý I/2023 và là Fintech được ưa chuộng nhất tại Việt Nam, trong khi các thương hiệu khác như ZaloPay, ViettelPay, ShopeePay,… đều đang giảm thị phần.
Thông tin vừa được công bố tại báo cáo “Người tiêu dùng số – The Connected Consumer”. Báo cáo tập trung thói quen trực tuyến của người tiêu dùng, bao gồm việc sử dụng mạng xã hội, giải trí (âm nhạc, phim ảnh, và video trực tuyến) cũng như mua sắm trực tuyến, thanh toán điện tử.
Đường đua ví điện tử đang chứng kiến 40 đơn vị tham gia nhưng nổi bật là 6 “ông lớn”, gồm Momo, Moca, ZaloPay, ShopeePay (AirPay), ViettelPay và ShopeePay.
Trong đó, kỳ lân MoMo vẫn đang chiếm ưu thế với 68% thị phần, kế đến là ZaloPay 53%. 4 ví điện tử còn lại có biểu hiện hụt hơi: ViettelPay – nắm giữ 27%, ShopeePay với 25%, VNPay với 16% và Moca – chỉ 7%.
Báo cáo cũng chỉ ra MoMo của CTCP Dịch vụ di động trực tuyến (viết tắt: M_Service) là Fintech được yêu thích nhất tại Việt Nam. Cả 3 thế hệ Gen Z (từ 16-25 tuổi) và Gen Y (từ 26-41 tuổi), Gen X (nhóm từ 42-62 tuổi) chuộng nền tảng ví điện tử này.
“Hầu hết mọi người nghĩ đến MoMo là chỉ có thanh toán nhưng nếu một ứng dụng chỉ để thanh toán thì sẽ khó phát triển ở thị trường Việt Nam” – ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập MoMo – từng phát biểu tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ IV do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức (tháng 12/2022).
Cũng tại đây, ông Diệp cũng nêu quan điểm chuyển đổi số của xã hội không chỉ phát triển ở thượng tầng mà phải “từ dưới đi lên” và không ngại bày tỏ việc MoMo mong muốn được tạo điều kiện tham gia các dự án của Chính phủ.
Theo lý giải của người đồng sáng lập MoMo, Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ với khoảng 35 triệu lao động. Nếu chúng ta có thể chuyển đổi số được nhóm doanh nghiệp này thì sẽ tác động rất tích cực đến chuyển đổi số toàn bộ nền kinh tế, xã hội.
MoMo cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp quy mô khác nhau. Với tiểu thương, nền tảng ví điện tử này cung cấp giải pháp đơn giản nhất là thanh toán bằng QR Code, miễn phí, tích hợp dễ dàng. Với doanh nghiệp muốn kinh doanh thương mại điện tử, bán hàng đa kênh, MoMo cung cấp dịch vụ quản lý kinh doanh, tiếp thị đa nền tảng. Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B (kinh doanh nhà hàng, ăn uống) muốn có giải pháp trọn gói từ quản lý, vận hành thì MoMo cũng phối hợp với iPOS.vn để cung cấp giải pháp.
Đại diện MoMo kiến nghị những doanh nghiệp cổ phần tư nhân như MoMo sẽ được tạo điều kiện tham gia vào các dự án của Chính phủ, tham gia vào những thử nghiệm lớn cùng các tập đoàn lớn như Viettel hay VNPT. Đồng sáng lập MoMo khẳng định, điều này tạo điều kiện không chỉ cho doanh nghiệp mà còn xã hội số phát triển hơn nữa./.